Contents
- Tất tần tật thông tin cần biết về Thành Phố Thủ Đức
- 1/Thành phố Thủ Đức nằm ở đâu?
- 2/Lịch sử hình thành Thành phố Thủ Đức
- 3/Thông tin hành chính Thành phố Thủ Đức
- 4/Biểu trưng của thành phố Thủ Đức
- 5/Thông tin quy hoạch Thành phố Thủ Đức
- 6/Định hướng phát triển của Thành phố Thủ Đức
- 7/Thông tin Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức
- 8/Thông tin về Công an Thành phố Thủ Đức
- 9/Thông tin Bệnh viện Thành phố Thủ Đức
- 10/Những tiềm năng phát triển của Tp. Thủ Đức
- 11/Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thành phố Thủ Đức
- TỔNG KẾT
Tất tần tật thông tin cần biết về Thành Phố Thủ Đức
1/Thành phố Thủ Đức nằm ở đâu?
Thành phố Thủ Đức nằm ở phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai với ranh giới là sông Đồng Nai
- Phía tây giáp Quận 12, quận Bình Thạnh, Quận 1 và Quận 4 với ranh giới là sông Sài Gòn
- Phía nam giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (qua sông Đồng Nai) và Quận 7 (qua sông Sài Gòn)
- Phía bắc giáp các thành phố Thuận An và Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương.
Dân số TP. Thủ Đức
Thành phố có diện tích 211,56 km², dân số năm 2019 là 1.013.795 người, mật độ dân số đạt 4.792 người/km².
|
Ngoài ra, để dễ quản lý và làm các thủ tục hành chính, Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Thủ Đức còn chia thành phố ra làm ba khu vực: 1, 2, 3 – tương ứng với địa giới của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức cũ. Trụ sở Công an, Tòa án Nhân dân, UBND của những quận trước đây được gọi chung là thành phố Thủ Đức.
2/Lịch sử hình thành Thành phố Thủ Đức
– Tháng 11/2019: Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm thực hiện Khu đô thị sáng tạo TP. HCM
– Ngày 24/4/2020: UBND TP.HCM thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông gồm 22 thành viên, do ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, làm trưởng ban.
– Tháng 5/2020: Sở Nội vụ đã có tờ trình UBND TP.HCM về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP.HCM (tạm gọi là Thành Phố Phía Đông).
– Ngày 25/5/2020: Sở Quy hoạch – kiến trúc đề xuất điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 khu Linh Trung, Tam Đa, Trường Thọ để sớm thực hiện các dự án trong khu đô thị.
– Ngày 25/7/2020: tại hội nghị Thành ủy, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tên gọi của thành phố mới ở phía Đông sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ đợi, thành phố trong tương lai sẽ tạm lấy tên là Thành phố Thủ Đức.
– Vào giữa tháng 8/2020, tại buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề án Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM – thành lập TP Thủ Đức (thành phố phía đông của TP.HCM).
– Ngày 20/09/2020: Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất lộ trình, phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và bố trí trụ sở làm việc.
Theo đó, Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi) làm nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức.
– Ngày 3/10/2020: Cử tri của quận 2, 9 và quận Thủ Đức (TP.HCM) bỏ phiếu về việc sáp nhập ba quận thành một đơn vị hành chính cấp huyện.
– Ngày 12/10/2020: 100% đại biểu HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức và 19 phường vào năm 2021.
– Ngày 10/11/2020: Chính phủ công nhận kết quả rà soát, đánh giá khu vực thành lập TP Thủ Đức là Đô thị loại 1 trực thuộc TP HCM, theo đề nghị của Bộ Xây dựng.
– Ngày 12/11/2020: Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM.
Ngày 9 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021). Theo đó:
- Thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức
- Sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm
- Thành lập phường An Khánh (mới) trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của hai phường Bình An và Bình Khánh.
Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km² diện tích tự nhiên và 1.013.795 người, gồm 34 phường trực thuộc.
3/Thông tin hành chính Thành phố Thủ Đức
TP. Thủ Đức có bao nhiều phường?
Tp. Thủ Đức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập vào cuối năm 2020, dựa trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũ của TP HCM.
Đến ngày 1/1/2021, nghị quyết của Quốc hội chính thức có hiệu lực, TP Thủ Đức trở thành đơn vị hành chính đầu tiên trực thuộc một thành phố tại Việt Nam.
TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như: Đường Võ Nguyên Giáp – Xa lộ Hà Nội, Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Đại lộ Phạm Văn Đồng – Quốc lộ 1K. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội trên địa bàn thành phố cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Hiện nay, thành phố Thủ Đức đang được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng thành một đô thị sáng tạo tương tác cao.
4/Biểu trưng của thành phố Thủ Đức
Ngày 29-7, UBND thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức lễ công bố biểu trưng thành phố Thủ Đức nhằm chính thức giới thiệu mẫu biểu trưng thành phố và ghi nhận kết quả, tôn vinh tác giả, tác phẩm được chọn trong đợt sáng tác, thiết kế biểu trưng về thành phố.
Ý nghĩa của Biểu trưng Thành phố Thủ Đức
- Biểu trưng thành phố Thủ Đức được thiết kế từ 2 chữ cái đầu T, Đ (viết tắt của Thủ Đức).
- Trong biểu trưng có hình tượng cánh chim Việt thể hiện vùng đất Thủ Đức giàu giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, sinh thái gắn với hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, tạo nét đặc trưng độc đáo riêng của thành phố Thủ Đức.
- Hình ngôi sao vàng tỏa sáng, tượng trưng cho ánh sáng soi đường của Đảng và Nhà nước, cùng với sự tỏa sáng tài năng, trí tuệ con người của vùng đất hào kiệt thành phố Thủ Đức sẽ luôn tiếp bước trên con đường phát triển, vươn tới tương lai.
- Thiết kế cách điệu hình tượng con tàu thể hiện khát vọng vươn xa và vươn lên tầm cao mới, thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay xây dựng và phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch của thành phố Thủ Đức.
5/Thông tin quy hoạch Thành phố Thủ Đức
Thành phố Thủ Đức sẽ quy hoạch theo định hướng “khu đô thị sáng tạo tương tác cao”. Bao gồm 6 trọng điểm sáng tạo.
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính.
- Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc – Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc.
- Khu công nghệ cao – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học.
- Khu Đại học Quốc gia thành phố – Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục.
- Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái.
- Khu Trường Thọ – Đô thị tương lai – Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái; Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trong đó khu trung tâm tài chính Thủ Thiêm về cơ bản đã được hình thành.
Việc Thủ Đức lên thành phố dựa trên 3 nền tảng là Khu công nghệ cao quận 9 (nơi tập trung các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước về khoa học, công nghệ), Đại học Quốc gia ở Thủ Đức (nơi đào tạo đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học trên 100.000 sinh viên) và trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm quận 2. Với 10% dân số và diện tích, đây được cho là vùng động lực phát triển của thành phố, ước tính đóng góp 30% GDP của TP HCM, tương đương 4-5% GDP cả nước.
Đồng thời, Thành phố phía đông được định hướng thành 6 trọng điểm sáng tạo, bao gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao. Sự phân cụm này tập trung vào việc phát triển có trọng tâm và chọn tiếp cận hình thành các khu đô thị trước.
6/Định hướng phát triển của Thành phố Thủ Đức
Với những định hướng phát triển trên, đến năm 2025, Uỷ ban Nhân dân TP Thủ Đức sẽ phấn đấu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch chung của Thành phố, từng bước quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực, đất đai, đầu tư phát triển 08 khu đô thị, gồm:
1/ Khu Công nghệ cao – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học: sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương;
2/ Đại học Quốc gia TP.HCM – Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục là một quần thể giáo dục đào tạo và khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc tăng cường hợp tác với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau và giao lưu trao đổi ý tưởng;
3/ Khu Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính: đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo về công nghệ tài chính trong cự ly gần đến trung tâm hiện hữu thành phố;
4/ Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc – Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe, hình thành một cộng đồng toàn diện, chất lượng sống cao. Đây sẽ là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP.HCM trở nên khác biệt với các đô thị trong Vùng, thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại TP.HCM;
5/ Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái: tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm quảng bá, chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực;
6/ Khu Trường Thọ – Khu đô thị sáng tạo: tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và sẽ là nơi áp dụng công nghệ mới nhất của Đô thị sáng tạo;
7/ Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái – Phú Hữu: tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ Cảng để hoạt động hiệu quả hơn;
8/ Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam: tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía Đông sẽ thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.
Các khu đô thị nói trên sẽ được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để TP Thủ Đức từng bước theo lộ trình để trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cũng như tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy cho việc thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP Hồ Chí Minh nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.
7/Thông tin Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức
Địa chỉ, số điện thoại, thời gian làm việc
Địa chỉ: 168 Trương Văn Bang, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (84-8) 3740 0509
Email: tpthuduc@tphcm.gov.vn
Giờ làm việc: Bộ phận tiếp công dân của Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức làm việc giờ hành chính các ngày trong tuần, trừ thứ 7, Chủ nhật, nghỉ Lễ, nghỉ Tết. Người dân liên hệ làm việc trong khung giờ như sau:
Giờ làm việc buổi sáng: từ 7h30 đến 11h30;
Giờ làm việc buổi chiều: từ 13h30 đến 17h.
Cơ cấu tổ chức UBND TP. Thủ Đức
Ban Thường trực:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
- Ủy viên Ủy ban nhân dân
Các phòng ban:
- Văn phòng Ủy ban nhân dân
- Phòng Tài chính – Kế hoạch
- Phòng Kinh tế
- Phòng Y tế
- Phòng Giáo dục – Đào tạo
- Phòng Nội vụ
- Phòng Quản lý đô thị
- Phòng Tài nguyên Môi trường
- Phòng Văn hóa – Thông tin
- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
- Phòng Thanh tra
- Phòng Pháp chế
Các đơn vị sự nghiệp
- Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch
- Trung tâm Y tế Dự phòng
- Trung tâm Y tế Dược
- Trung tâm Y tế
- Trung tâm Công tác Thanh thiếu niên
- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp
- Trung tâm Bảo trợ Trẻ em
- Trung tâm Công tác xã hội
Nhiệm vụ và chức năng UBND TP. Thủ Đức
- Lãnh đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
- Quản lý nhà nước về các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, môi trường, tài nguyên, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, hội nhập quốc tế, công tác thanh niên, thể thao, du lịch, thông tin – truyền thông và những lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
- Ban hành quy định về quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất với Hội đồng nhân dân thành phố những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng nhân dân thành phố; thực hiện các quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố.
- Phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
8/Thông tin về Công an Thành phố Thủ Đức
Địa chỉ: 371 Đoàn Kết, Bình Thọ, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (84-28) 3902 2121
Website: https://tpthuduc.hochiminhcity.gov.vn/
Giờ làm việc: Bộ phận tiếp công dân của Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức làm việc giờ hành chính các ngày trong tuần, trừ thứ 7, Chủ nhật, nghỉ Lễ, nghỉ Tết. Người dân liên hệ làm việc trong khung giờ như sau:
Giờ làm việc buổi sáng: từ 7h30 đến 11h30;
Giờ làm việc buổi chiều: từ 13h30 đến 17h.
Công an Thành phố Thủ Đức có đội cảnh sát cơ động túc trực 24/24 để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Chức năng và nhiệm vụ Công An TP. Thủ Đức
1. Chức năng
Tham mưu cho Công an Thành phố, Quận ủy – UBND quận về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; trực tiếp đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
2. Nhiệm vụ
– Chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến ANTT trên địa bàn, tham mưu cho Quận ủy, HĐND, UBND quận các chủ trương, biện pháp, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, công dân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra trên địa bàn, các đoàn khách đến công tác đi qua địa phương.
– Tiến hành công tác điều tra cơ bản nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp phản động, khủng bố của các đối tượng trên địa bàn; tiếp nhận xử lý, khởi tố điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Thực hiện quản lý người nước ngoài trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các ban, ngành tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
– Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về TTATXH, về bảo vệ môi trường, phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật khác và kiến nghị biện pháp khắc phục; tham gia giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng theo quy định của pháp luật. Quản lý hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, quản lý và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, quản lý, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy, tham gia cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
9/Thông tin Bệnh viện Thành phố Thủ Đức
Địa chỉ, số điện thoại, giờ làm việc Bệnh viện TP.Thủ Đức
Địa chỉ: 29 Phú Châu, Khu phố 5, Phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 3722 3556
Email: bv.tpthuduc@tphcm.gov.vn
Website: https://benhvienthuduc.vn/
Giờ làm việc:
- Thứ Hai – Thứ Sáu: 7:00 – 17:00
- Thứ Bảy: 7:00 – 12:00
- Chủ Nhật: Nghỉ
Khoa, phòng: 36 khoa, phòng lâm sàng và cận lâm sàng
Giường bệnh: 800 giường
Cán bộ, nhân viên: Hơn 1.000 người
Các phòng ban của Bệnh Viện TP. Thủ Đức
Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (tên gọi cũ là Bệnh viện Quận Thủ Đức) là một bệnh viện đa khoa hạng I tuyến quận huyện đầu tiên trong cả nước. Bệnh viện được thành lập vào năm 2007 và được chính thức đổi tên thành Bệnh viện Thành phố Thủ Đức vào tháng 3 năm 2021.
Bệnh viện TP. Thủ Đức có diện tích hơn 14.000 m², với 800 giường bệnh và hơn 1.000 cán bộ, nhân viên y tế, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đa khoa cho người dân trên địa bàn Thành phố Thủ Đức và các khu vực lân cận.
Bệnh viện có 36 khoa, phòng lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó có nhiều khoa, phòng chuyên sâu như: Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Tim mạch, Khoa Ung bướu, Khoa Nhi khoa, Khoa Sản khoa, Khoa Mắt, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Xét nghiệm, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, v.v.
Bệnh viện Thành phố Thủ Đức được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm, nhiệt tình phục vụ người bệnh.
10/Những tiềm năng phát triển của Tp. Thủ Đức
Về thuận lợi, TP Thủ Đức trong TP HCM, là trung tâm kinh tế, thương mại lớn và năng động nhất của cả nước. Đây cũng là nơi có vị trí tốt, có tiềm lực về con người, tài chính mạnh để phát triển. Khi nhập 3 quận lại, hạ tầng TP Thủ Đức đã có sẵn mạng lưới giao thông liên kết vùng như Quốc lộ 1, đường vành đai, tuyến metro sắp khai trương và quỹ đất khá rộng liên kết với trung tâm tài chính của TP HCM, khu công nghệ cao, các trường đại học.
Với tuyến metro số 1, ở mỗi nhà ga có thể phát triển các đô thị ở xung quanh. Mỗi đô thị có bán kính khoảng 600-700 m, mất khoảng 15-20 phút đi bộ đến nhà ga. Nhờ đó lượng người vận chuyển sẽ phù hợp với tính toán của tuyến metro, đồng thời phát huy hiệu quả của metro khi người dân có thể đi lại trên phương tiện đó, giảm vấn đề kẹt xe.
Khu vực này có làng đại học, trong đó chủ lực là ĐHQG TP HCM bên cạnh Đại học Fulbright, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật… Đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Điều quan trọng hơn, đây là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Nidec… TP Thủ Đức còn có khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi sẽ đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Như vậy, chỉ trong khu vực này đã có 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành một tam giác phát triển rất quan trọng. Với rất nhiều tiềm năng sẵn có, chúng ta có quyền kỳ vọng nơi đây sẽ phát triển đúng hướng, bền vững, là một TP xanh, một đô thị tương tác cao, nơi đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời, từ sự hình thành và phát triển TP phía Đông, một ngày không xa, TP HCM sẽ có thêm các khu vực vệ tinh khác ở phía Tây, phía Nam hay phía Bắc.
11/Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thành phố Thủ Đức
1/Khu du lịch văn hóa Suối Tiên
Địa chỉ: Xa Lộ Hà Nội, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Giờ mở cửa: 8:00 – 17:00 các ngày trong tuần
Khu du lịch văn hóa Suối Tiên tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 phút di chuyển. Suối Tiên là sự kết hợp đặc biệt của tinh hoa văn hóa và cội nguồn dân tộc nước ta. Có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết đã được mô phỏng tại đây như: Âu Cơ – Lạc Long Quân, Sơn Tinh – Thủy Tinh, sự tích Mai An Tiêm, sự tích bánh chưng – bánh dày,…hứa hẹn mang đến cho quý du khách những trải nghiệm lý thú.
Điểm nhấn của khu du lịch chính là khu công viên nước – công viên giải trí lớn nhất tại Việt Nam. Công viên nước có một cái tên đậm chất cổ tích là biển Tiên Đồng, đây là biển nhân tạo đầu tiên tại nước ta.
2/Khu du lịch The BCR
The BCR là tổ hợp nghỉ dưỡng đa dạng các hoạt động vui chơi giải trí. Bên cạnh hồ bơi có diện tích siêu khủng thì khu du lịch còn có các dịch vụ giải trí hấp dẫn khác như: Chèo thuyền Kayak, lướt ván, bắt cá không tay, bắn súng nước bằng súng sơn,…
Nếu bạn yêu thích và muốn trải nghiệm cuộc sống thôn quê thì có thể hóa thân thành nông dân thực thụ. Cụ thể như: Trồng lúa, chăm sóc, phân bón, thu hoạch, chăm sóc các loại gia súc, gia cầm,…
Một điểm thú vị không thể bỏ qua tại đây chính là bạn có thể tự tay làm các món đồ lưu niệm bằng gốm.
Sau những giờ vui chơi đã thấm mệt thì bạn hãy ghé đến hệ thống nhà hàng Sông Tắc, Chòi Lá, Nhà Ngói, nhà hàng Tre đáp ứng các nhu cầu ẩm thực từ ngoài trời đến trong nhà với món ăn đa dạng.
3/Công viên hầm Thủ Thiêm
Công viên Hầm Thủ Thiêm còn được gọi với tên gọi khác là Nóc Hầm Thủ Thiêm. Thời gian trước, hầm chỉ là một nơi hoang sơ và không đông đúc, nhưng từ khi được xây dựng thành công viên thì nơi đây trở nên nhộn nhịp và đông đúc hơn. Cùng với đó, công viên có view nhìn ra tòa Landmark 81 và khung cảnh của thành phố. Chính vì thế, nơi đây trở thành một địa điểm vui chơi của người dân.
4/Công viên khu đô thị Sala
Là một trong những công viên ven sông với thảm cỏ xanh mướt, mang đến cho cư dân những giây phút thư giãn tuyệt vời. Không gian và cảnh quan tại công viên khu dân cư Sala sẽ khiến bạn rung động, đây thật sự là điểm hẹn lý tưởng sau một ngày dài làm việc.
Công viên được trang trí đẹp mắt bởi hệ thống cây nhân tạo cùng nhiều tiểu cảnh khiến người nhìn liên tưởng đến kỳ quan Garden Bay (Singapore). Vẻ đẹp của những đài ngắm hoa thực sự tỏa sáng khi màn đêm buông xuống.
5/Chùa Bửu Long
Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km, nằm trên một ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai với tên chính thức là thiền viện Tổ Đình Bửu Long.
Chùa được thành lập năm 1942, đến năm 2007 chùa được trùng tu và trở thành công trình tiêu biểu cho sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Thái Lan, Ấn Độ cùng tinh hoa kiến trúc của nhà Nguyễn.
Sở hữu lối thiết kế độc đáo, nhìn tổng thể khá giống với những ngôi chùa tại xứ sở “Chùa Vàng”, do đó, chùa Bửu Long thường được biết đến với tên gọi khác là chùa Thái Lan. Thế nhưng, nét văn hóa truyền thống của Việt Nam vẫn được lưu giữ thể hiện rõ qua những đường nét khắc họa ở mọi ngóc ngách, các bức phù điêu chạm trổ hay tượng điêu khắc rồng phượng đầy uy nghi. Ngoài ra, chùa Bửu Long vinh dự lọt top 10 ngôi chùa có thiết kế đẹp nhất thế giới.
TỔNG KẾT
Bài viết đã chia sẻ tất cả thông tin liên quan đến Thành phố Thủ Đức, Tp. Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1 trực thuộc TP. Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; là trung tâm phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kĩ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục-đào tạo. Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Tp. Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế – xã hội – môi trường… trên cơ sở kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển.
XEM THÊM:
Bài viết liên quan: